1. Nội dung quy luật lượng chất? Liên hệ nội dung trên với việc học tập và hoạt động chính trị - xã hội của bản thân?

Quy luật Lượng- Chất là một trong 3 quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật, vạch ra cách thức vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng.

* Khái niệm:

Chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, hiện tượng; là sự thống nhất hữu cơ các thuộc tính cấu thành nó, phân biệt nó với sự vật, hiện tượng.

Lượng là một phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, hiện tượng về mặt quy mô trình độ phát triển, biểu thị đại lượng con số các thuộc tính, các yếu tố,…cấu thành sự vật. Lượng được thể hiện thành số lượng, đại lượng về trình độ, quy mô, nhịp điệu, tốc độ … của sự vận động và phát triển của sự vật. 

* Nội dung quy luật:

Bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cùng là một thể thống nhất giữa hai mặt chất và lượng. Hai mặt đó không tách rời nhau mà tác động lẫn nhau một cách biện chứng. Sự thay đổi của sự vật bao giờ cũng bắt đầu từ sự thay đổi về lượng nhưng không phải mọi sự thay đổi về lượng đều dẫn đến sự thay đổi về chất.

Giới hạn mà sự thay đổi về lượng chưa làm chất thay đổi được gọi là “độ”. Độ chỉ tính quy định, mối liên hệ thống nhất giữa chất và lượng, là khoảng giới hạn mà trong đó sự thay đổi về lượng chưa làm thay đổi căn bản chất của sự vật, hiện tượng.

Khi lượng thay đổi đến một giới hạn nhất định sẽ tất yếu dẫn đến những sự thay đổi về chất. Giới hạn đó chính là “điểm nút”.

Sự thay đổi về chất do sự thay đổi về lượng trước đó gây ra được gọi là “bước nhảy”. Có nhiều loại bước nhảy khác nhau: bước nhảy đột biến, bước nhảy dần dần; bước nhảy toàn bộ, bước nhảy cục bộ,…

Bước nhảy là sự kết thúc một giai đoạn vận động, phát triển; đồng thời, đó cũng là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới. Khi chất mới ra đời lại có sự tác động trở lại lượng của sự vật. Chất mới tác động tới lượng của sự vật, hiện tượng trên nhiều phương diện: làm thay đổi kết cấu, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng.

Tóm lại, bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng có sự thống nhất biện chứng giữa hai mặt chất và lượng. Sự thay đổi dần dần về lượng tới điểm nút lất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất thông qua bước nhảy; đồng thời, chất mới sẽ tác động trở lại lượng, tạo ra những biến đổi mới về lượng của sự vật, hiện tượng. Quá trình đó liên tục diễn ra, tạo thành phương thức cơ bản, phổ biến của các quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy.

* Ý nghĩa phương pháp luận:

Nhận thức sự vật phải nhận thức cả chất và lượng của nó. Muốn thay đổi về chất của sự vật phải có sự thay đổi về lượng, không được chủ quan, nóng vội.

Ngược lại, khi tích lũy lượng đã đủ cần thực hiện bước nhảy, tránh tư tưởng bảo thủ, trì trệ, ngại khó.

Vì vậy, trong hoạt động thực tiễn cần chống “hữu khuynh” tức không dám thực hiện bước nhảy về chất khi tích lũy lượng đã đủ. Đồng thời, chống khuynh hướng “tả khuynh” chính là hành động bất chấp quy luật, chủ quan, duy ý chí.

Bên cạnh đó, trong nhận thức và thực tiễn cần phải có sự vận dụng linh hoạt các hình thức của bước nhảy cho phù hợp với từng điều kiện, từng tĩnh vực cụ thể. Đặc biệt, trong đời sống xã hội, quá trình phát triển không chỉ phụ thuộc vào điều kiện khách quan, mà còn phụ thuộc vào nhân tố chủ quan của con người. Do đó, cần phải nâng cao tính tích cực, chủ động của chủ thể để thúc đẩy quá trình chuyển hóa từ lượng đến chất một cách có hiệu quả nhất.

Liên hệ: Tích lũy kiến thức, kinh nghiệm bản thân trong học tập, hoạt động, xác định được những “điểm nút” để thực hiện “bước nhảy” nhằm tránh chủ quan nhưng cũng tránh trì trệ, đánh mất cơ hội…

 

 


2. Vai trò của ý thức đối với vật chất?

Để hiểu rõ vai trò của ý thức đối với vật chất, trước hết cần hiểu khái niệm vật chất và những vấn đề cơ bản về ý thức:

* Phạm trù vật chất: “Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh, và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”.

* Phạm trù ý thức:

- Nguồn gốc của ý thức: Theo quan điểm duy vật biện chứng, ý thức có nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội.

+ Nguồn gốc tự nhiên của ý thức: Ý thức là thuộc tính phản ánh của bộ óc người. Chính bộ óc người và sự tác động của thế giới khách quan lên bộ óc người là nguồn gốc tự nhiên của ý thức

+ Nguồn gốc xã hội của ý thức: lao động và ngôn ngữ là nguồn gốc xã hội của ý thức, lao động đóng vai trò quyết định trong việc chuyển vượn người thành người, giúp bộ óc phát triển, làm nảy sinh ngôn ngữ.

-  Bản chất của ý thức: Ý thức là sự phản ánh năng động, sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc người; là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Điều này thể hiện ở chỗ phản ánh của ý thức là phản ánh có chọn lọc, phản ánh những cái cơ bản nhất mà con người quan tâm; phản ánh của ý thức không phải là phản ánh nguyên xi mà còn được cải biến ở trong bộ óc người, phản ánh của ý thức có thể là phản ánh vượt trước hiện thực, có thể dự báo được xu hướng biến đổi của thực tiễn; ý thức là ý thức của con người nhưng con người là con người hiện thực của một xã hội lịch sử cụ thể. Do vậy, ý thức luôn mang bản chất xã hội.

* Vai trò của ý thức đối với vật chất:

Theo quan điểm của các nhà triết học duy tâm cho rằng ý thức là cái có trước, quyết định vật chất.

 

 

Các nhà duy vật siêu hình cho rằng vật chất là cái có trước, quyết định ý thức. Tuy nhiên họ không thấy vai trò, sự tác động trở lại của ý thức đối với vật chất.

 

Theo quan điểm của triết học Mác-Lênin, vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau, vật chất quyết định ý thức nhưng ý thức có tính năng động sáng tạo, có sự tác động trở lại ý thức. Vai trò của ý thức theo quan điểm của triết học Mác-Lênin thể hiện ở chỗ nó:

- Ý thức chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người, có thể tác đông trở lại vật chất bằng cách thúc đẩy hoặc kìm hãm ở một mức độ nào đó các điều kiện vật chất, góp phần cải biến thế giới khách quan. Sự tác động của ý thức đối với vật chất phải thông qua hoạt động thực tiễn, nhờ thực tiễn ý thức có thể làm biến đổi điều kiện vật chất.

- Khi phản ánh đúng hiện thực, ý thức có thể dự báo, tiên đoán một cách chính xác cho hiện thực, có thể hình thành nên những lý luận định hướng đúng đắn và những lý luận này được đưa vào quần chúng có thể góp phần động viên, cổ vũ, khai thác mọi tiềm năng sáng tạo, từ đó sức mạnh vật chất được tăng lên gấp bội. Ngược lại ý thức có thể tác động tiêu cực khi nó phản ánh sai lệch, xuyên tạc.

- Xã hội ngày càng phát triển thì vai trò của ý thức ngày càng to lớn, nhất là thời đại ngày nay, khi mà tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Mặc dù ý thức có vai trò to lớn nhưng sự tác động trở lại của ý thức đối với vật chất vẫn phụ thuộc vào các điều kiện vật chất, không thể vượt quá những tiền đề vật chất đã xác định. Vì vậy cần tránh rơi vào chủ quan duy ý chí, nóng vội.

Cần phát huy tính năng động, sáng tạo của ý thức, phát huy vai trò nhân tố chủ quan của con người, tránh tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại, thiếu tính sáng tạo.

 

 

 

Liên hệ thực tiễn: Các phương pháp sáng tạo, các mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế, chống dịch, nghiên cứu khoa học,…

3. Mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng?

* Khái niệm:

Cơ sở hạ tầng là tổng hợp những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của môt xã hội nhất định. Kết cấu của cơ sở hạ tầng bao gồm quan hệ sản xuất tàn dư, quan hệ sản xuất thống trị, quan hệ sản xuất mầm mống.

Kiến trúc thượng tầng là toàn bộ những quan điểm chính trị, pháp luật, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật,…cùng với những thiết chế tương ứng như nhà nước, đảng phái, giáo hội, các đoàn thể,…được hình thành trên một cơ sở hạ tầng nhất định.

* Mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng

- Vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng

Cơ sở hạ tầng quy định tính chất của kiến trúc thượng tầng. Tương ứng với một cơ sở hạ tầng nhất định sẽ sản sinh ra một kiến trúc thượng tầng phù hợp, có tác dụng bảo vệ cơ sở hạ tầng đó. Nói cách khách, tính chất xã hội, giai cấp của kiến trúc thượng tầng phản ánh tính chất xã hội, giai cấp của cơ sở hạ tầng. Vì thế, trong xã hội có giai cấp, giai cấp nào chiếm địa vị thống trị về kinh tế thì cũng chiếm địa vị thống trị trong đời sống chính trị, tinh thần; những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế quy định tính chất mâu thuẫn trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Sự đấu tranh trong lĩnh vực ý thức hệ xã hội và những xung đột lợi ích chính trị - xã hội có nguyên nhân sâu xa từ mâu thuẫn và cuộc đấu tranh giành lợi ích trong cơ sở kinh tế của xã hội

Những biến đổi trong cơ sở hạ tầng tạo ra nhu cầu khách quan phải có sự biến đổi tương ứng trong kiến trúc thượng tầng. Tuy nhiên sự biến đổi phức tạp, có những kiến trúc thượng tầng thay đổi nhanh chóng (quan điểm chính trị, pháp luật,…) nhưng cũng có những kiến trúc thượng tầng thay đổi rất chậm (tôn giáo, nghệ thuật,…)

- Sự tác động trở lại của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng

Các yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng có vị trí độc lập tương đối của nó và thường xuyên có vai trò tác động trở lại cơ sở hạ tầng của xã hội.

Sự tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng có thể thông qua nhiều phương thức. Trong điều kiện kiến trúc thượng tầng có yếu tố nhà nước thì phương thức tác động của các yếu tố khác tới cơ sở kinh tế của xã hội thường phải thông qua yếu tố nhà nước mới có thế thực sự phát huy mạnh mẽ vai trò thực tế của nó. Nhà nước là yếu tố có tác động trực tiếp nhất và mạnh mẽ nhất tới cơ sở hạ tầng của xã hội.

Sự tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng có thể diễn ra theo xu hướng tích cực hoặc tiêu cực. Điều đó phụ thuộc vào sự phù hợp hay không phù hợp của các yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng đối với nhu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế; nếu phù hợp nó sẽ có tác dụng tích cực, ngược lại sẽ có tác dụng tiêu cực, kìm hãm và phá hoại sự phát triển kinh tế trong một phạm vi và mức độ nhất định.

Tuy sự tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng dù diễn ra với những xu hướng khác nhau, mức độ khác nhau nhưng rốt cuộc nó không thể giữ vai trò quyết định đối với cơ sở hạ tầng của xã hội; cơ sở hạ tầng của xã hội vẫn tự mở đường đi cho nó theo tính tất yếu kinh tế của nó.

- Liên hệ thực tiễn Việt Nam (xem thêm câu 4)

1. Vận dụng mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng vào thực tiễn Việt Nam hiện nay?

Khái quát về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng (xem câu 3)

Thực chất quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là mối quan hệ giữa kinh tế và pháp luật. Vì vậy khi vận dụng quy luật này phải xuất phát từ kinh tế, các quy luật kinh tế khách quan nhưng đồng thời cũng phải coi trọng vai trò của chính trị, tính năng động sáng tạo của chính trị trong việc vận dụng các quy luật kinh tế khách quan. Tuyệt đối hóa một mặt nào cũng dẫn đến sai lầm.

Trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, việc xây dựng cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng phải được tiến hành từng bước với những hình thức, bước đi thích hợp. Kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa có sự tác động đặc biệt to lớn đối với cơ sở hạ tầng xã hội chủ nghĩa. Cơ sở hạ tầng xã hội chủ nghĩa không thể hình thành và phát triển một cách tự phát mà được xây dựng một cách tự giác nhờ sự tác động của kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa. Không có chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thì không thể xây dựng được cơ sở hạ tầng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa quyết định cơ sở hạ tầng xã hội chủ nghĩa. Kiến trúc thượng tầng chỉ thực hiện một sự tất yếu về kinh tế. Cơ sở hạ tầng xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên cơ sở từng bước thiết lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Nó không ra đời trong chế độ tư bản mà sau khi giành được chính quyền, giai cấp công nhân sử dụng nhà nước của mình chủ động, tự giác xây dựng nên, tạo thành cơ sở kinh tế của xã hội mới.

Một trong những sai lầm ở VN trước đây là cường điệu hóa vai trò của kiến trúc thượng tầng, bất chấp chủ quan kinh tế. Từ đó dẫn đến trì trệ, khủng hoảng. Hiện nay, chúng ta đang vận dụng một cách sáng tạo mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, đổi mới môt cách đồng bộ với những bước đi thích hợp giữa kinh tế và chính trị. Khi xây dựng cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa phải tuân theo quy luật khách quan, không lấy ý muốn chủ quan áp đặt, thay thế các quy luật khách quan. Đồng thời phải phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của kiến trúc thượng tầng trong việc vận dụng quy luật khách quan.

 Thực tế cho thấy, Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước khi vận dụng đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng.